Mỗi vùng miền hay tỉnh, thành đều gắn liền với một món ăn đặc trưng mà chỉ cần nhắc đến tên thôi, người ta cũng có thể nghĩ ngay đến địa danh ấy. Thế nhưng đối với người Sài Gòn thì một món đặc trưng là quá ít, số lượng đặc sản ở đây được cho là đếm không xuể.
Hôm nay, hãy cùng tìm hiểu món ăn đầu tiên mang dấu ấn đặc trưng của người Sài Gòn có tên là phá lấu nhé! Hương vị của người Sài Gòn vô cùng đặc biệt nên dù có đi đâu xa và thưởng thức ở các vùng miền khác nhau thì phá lấu Sài thành vẫn là "số dách"!
Phá lấu là một trong những món ăn mang lại đặc trưng của người Sài Gòn. (Ảnh: IG)
Phá lấu được ra đời từ đâu?
Món ăn đặc sản số một của Sài Gòn thực chất lại có nguồn gốc từ Trung Hoa. Theo phiên âm Hán Việt thì phá lấu được dịch ra là "đả lỗ" (đả có nghĩa là kho mặn, lỗ trong nghĩa ướp mặn) ý chỉ món ăn này được tẩm ướp thật mặn thì có thể bảo quản lâu dài. Nhiều người kể lại rằng, người Tiều khi xưa sợ lãng phí thịt thừa nên đã cắt miếng vừa miệng, nêm nếm cùng ngũ vị hương và một số nguyên liệu truyền thống, bất cứ khi nào muốn thưởng thức thì chỉ cần sơ chế với nước, muối là dùng được ngay.
Phá lấu được sử dụng kèm với rất nhiều món ăn khác như bánh mì, cơm, cháo hoặc đơn giản là ăn chấm mắm me. (Ảnh: IG)
Cũng chẳng biết từ bao giờ, phá lấu lại trở thành một món ăn không thể thiếu trong danh sách ăn vặt của giới trẻ Sài thành. Phá lấu có thể dùng như bữa phụ, thay thế bữa chính và ăn được vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Người Sài Gòn từ lâu đã đặt cho phá lấu một vị trí quan trọng trong văn hoá ẩm thực miền Nam và mỗi khi nhắc tới phá lấu, dù ai đi ngược về xuôi cũng đều biết rằng đây chính là một trong những đặc sản đặc trưng của dân Sài thành.
Những nguyên liệu để chế biến món phá lấu đậm đà hương vị
Người Tiều khi xưa thường sử dụng thịt heo, gà, vịt dư thừa để chế biến phá lấu. Tuy nhiên ngày nay, để phù hợp với khẩu vị của thực khách và biến tấu cho món ăn hấp dẫn, mới lạ hơn, người Sài Gòn lại sử dụng lưỡi, tai, ruột và bao tử của heo, bò, vịt để chế biến món ăn đặc sản này.
Để làm ra món phá lấu cần chuẩn bị rất nhiều gia vị. (Ảnh: Pinterest)
Đặc biệt, đồ ăn được chế biến hàng ngày, có hương vị tươi mới, đưa vào miệng đến đâu là "tan chảy" đến đó. Người Sài Gòn rất ưa chuộng phá lấu ăn kèm với bánh mì, mì tôm, cơm hay cháo đều rất hợp miệng. Hương vị phá lấu có lẽ được cảm nhận rõ rệt và đặc biệt nhất khi ăn kèm một miếng thịt cùng thìa súp thơm ngon, sánh mịn, "lai rai" cùng chút bánh mì nóng hổi vừa thổi vừa ăn.
Muốn ăn phá lấu phải tìm đến đâu mới đúng vị?
Phá lấu có hương vị truyền thống của người Tiều thường được tập trung ở quận 3, quận 4, quận 5, quận 6 hoặc các khu Chợ Lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh. Hương vị phá lấu nơi đây đã được giới trẻ Sài thành truyền tay nhau và trở nên nổi tiếng mỗi khi có ai đó "kháo" nhau lựa chọn phá lấu cho bữa xế chiều.
Thưởng thức phá lấu ngon và chuẩn vị nhất là ở những quán lề đường. (Ảnh: IG)
Người ta vẫn thường nói "nóng hổi vừa thổi vừa ăn" và điều này hoàn toàn đúng với món phá lấu. Để được tận hưởng trọn vị phá lấu, người ta thường đến tận nơi ngồi ăn để vừa xuýt xoa bởi hương vị đặc trưng ấy, vừa thổi phù phù vì món ăn mới được đun trong nồi nước dùng nóng hổi. Để càng lâu, phá lấu sẽ càng mất đi hương vị thơm ngon nên người Sài thành vẫn thường lựa chọn các hàng quán quen thuộc để ghé thăm mỗi khi lên cơn thèm phá lấu.
Phá lấu sẽ ngon nhất là khi vừa được cắt từ nồi ra bát và thưởng thức ngay. (Ảnh: IG)
Những kiểu phá lấu đặc trưng chỉ ở Sài Gòn mới có
Nếu nghĩ rằng phá lấu chỉ đơn thuần là món ăn có duy nhất một hương vị thì xem ra là bạn đã nhầm rồi. Phá lấu Sài Gòn đa dạng cách chế biến mà chỉ nghĩ đến thôi cũng đã thấy đau đầu vì lựa chọn món này thì lại tiếc nuối món kia, nhưng nếu lựa chọn cả hai thì e rằng sẽ no không thở nổi. Bởi vậy, trước khi quyết định ăn phá lấu, hãy chuẩn bị cho mình một chiếc bụng rỗng nhất có thể để khi thời cơ đến, việc thưởng thức đủ các loại phá lấu sẽ nằm "gọn lỏn" trong lòng bàn tay.
Mỗi một hương vị phá lấu sẽ mang đến một trải nghiệm hoàn toàn mới. (Ảnh: IG)
Phá lấu mì
Những buổi chiều mưa lạnh ở Sài Gòn, được tận hưởng một tô mì phá lấu chắc chắn sẽ vô cùng hạnh phúc bởi nước phá lấu ăn kèm mì tôm vừa đậm đà lại chắc dạ, ăn muốn "bục khuy quần" cũng phải cố gắng thưởng thức đến giọt nước dùng cuối cùng. Phá lấu vừa giòn vừa dai, ăn kèm với sợi mì nhúng vội qua nước sôi cũng dai giòn chẳng kém, thế là tạo thành một món ăn đặc trưng của giới trẻ Sài thành.
Phá lấu mì dai, thơm, giòn rụm vô cùng hấp dẫn. (Ảnh: Pinterest)
Phá lấu nướng
Khác với hương vị phá lấu mì, phá lấu nướng được chế biến đúng như tên gọi của nó mà mỗi khi nhắc đến, ai nấy đều "rỏ dãi" vì thèm bởi cảm giác mặn mặn, cay cay lại có chút ngọt ngào trào dâng ở khoé miệng. Để tận hưởng chuẩn vị phá lấu nướng nhất thì chỉ có thể ăn món này vào tầm chiều tối, nhất là khi phố đã lên đèn. Không phải vì đây mới là lúc được ăn phá lấu nướng mà bởi, dưới ánh đèn đường hắt vào từng bàn ăn là làn khói bốc nghi ngút từ những xiên phá lấu nướng, chỉ tưởng tượng thôi cũng đã thấy "lịm" đi vì ngon miệng.
Phá lấu nướng thơm "điếc mũi", hấp dẫn ngay cả khi bạn chưa kịp gọi món. (Ảnh: IG)
Phá lấu xào me
Nhắc đến Sài Gòn là nhắc đến những món xào me ngon trứ danh được giới trẻ nơi đây "tôn thờ" như cút lộn xào me, ốc xào me... thậm chí là cả phá lấu xào me. Cách chế biến phá lấu xào me cũng đơn giản và nhanh thoăn thoắt, y hệt cái tốc độ khi món ăn này được bưng ra bàn thì chỉ 5 - 10 phút là hết veo từ phá lấu cho tới rau ăn kèm. Cảm giác miếng phá lấu tan trong miệng, đi kèm với chút chua ngọt của me, thơm lừng của hành phi vừa khó tả lại vừa thèm thuồng, ăn một lại muốn ăn hai.
Phá lấu xào me chua ngọt ngon "số dách". (Ảnh: IG)
Bánh mì phá lấu
Bánh mì dường như là một món ăn "quốc hồn quốc tuý" của Việt Nam nên dù ở bất cứ vùng miền nào, bánh mì cũng là một đặc sản không thể thiếu khi giới thiệu với bạn bè năm châu. Có hai cách ăn bánh mì vô cùng "hợp rơ" với phá lấu, một là bánh mì kẹp phá lấu kèm theo chút rau thơm, dưa góp, hành lá và ớt tươi, hai là thả bánh mì thấm đẫm trong bát nước dùng phá lấu thơm ngon. Ăn theo kiểu nào cũng thấy ngon, thấy mãn nguyện bởi hương vị và cách kết hợp này đúng chuẩn phong cách người Sài thành.
Có hai cách thưởng thức phá lấu mà cách nào cũng ngon tuyệt. (Ảnh: Maryderoux)
Bánh mì sẽ được xếp "chật ních" phá lấu bên trong. (Ảnh: Pinterest)
Phá lấu chiên
Phá lấu đã có nướng thì không thể thiếu chiên bởi hương vị của mỗi món ăn lại đặc biệt và ấn tượng khác nhau. Nếu như miếng phá lấu nướng "quắt" lại vì chịu sức nóng trực tiếp từ bếp than thì phá lấu chiên lại mang đến một trải nghiệm hoàn toàn mới lạ: vỏ ngoài giòn rụm, cắn vào bên trong từng miếng thịt vẫn thấm đẫm hương vị tẩm ướp ngon tuyệt. Điểm cộng của món ăn này có lẽ chính là thứ nước chấm thần kỳ, ăn hoài, ăn mãi cũng không thể hiểu vì sao nó lại lôi cuốn đến vậy. Nếu không có mắm tắc thì phá lấu chiên sẽ mất ngon đi một nửa, đó là điều không thể chối cãi khi nhắc đến món ăn này!
Phá lấu chiên giòn rụm thơm ngon. (Ảnh: IG)
Phá lấu thường
Trải qua đủ các hương vị phá lấu từ chiên, nướng đến xào me, nấu mì...có lẽ phá lấu thường lại chính là món ăn thu hút và khiến thực khách đọng lại nhiều lưu luyến nhất. Không cần quá cầu kỳ với những công thức chế biến mất thời gian mà đôi khi, đơn giản nhất, cổ truyền nhất lại mang đến sự trải nghiệm ấn tượng nhất.
Phá lấu thường thì chẳng có từ gì diễn tả được sự thơm ngon của nó cả. (Ảnh: IG)
Phá lấu thường có hương vị của quế, ngũ vị hương và thoang thoảng hương thơm từ nước cốt dừa sánh mịn. Khi ăn chấm kèm với mắm me, pha thêm chút ớt bột, cứ ăn là ghiền, ăn là nghiện mà chẳng thể dừng lại cho đến khi bát phá lấu "sạch bong kin kít". Hương vị đặc trưng ấy đúng là chỉ có Sài Gòn mới mang lại trải nghiệm hoàn hảo và chính xác đến giọt nước dùng cuối cùng.
Chẳng phải quá lời khi cho rằng phá lấu là một trong những món ăn đặc sản của người Sài Gòn. Người ta có thể tìm đến món ăn này bất cứ lúc nào và sẵn sàng "đặt lịch hẹn" với phá lấu ngay khi vừa trở về quê hương. Hương vị phá lấu ở mỗi nơi một khác, có chút gia giảm để phù hợp với vị giác từng vùng miền, nhưng để tận hưởng trọn vẹn nhất món ăn có nguồn gốc Trung Hoa này thì chỉ ở Sài Gòn mới có thể khiến bạn hài lòng và thoả mãn.
Có hẹn với Sài Gòn là có hẹn với phá lấu, với món ăn hội tụ đủ hương vị ngọt - thơm - mặn - béo ngậy, chỉ nghĩ đến thôi cũng đã thấy thèm. Liệu có ai từ chối được một cuộc hẹn với thiên đường phá lấu trong chiều ngày hôm nay? Nắng mưa là chuyện của trời, việc ăn phá lấu là chuyện "của tôi với nàng".
Không có nhận xét nào
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.